Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

“Bình thường như cân đường hộp sữa”


Một đỉnh cao sáng tạo mới: qua sông trùm bao nilon.

Cầu, phà, đò, đu dây… xưa rồi. Ngồi trong bao để kéo qua sông, một áp dụng khoa học kỹ thuật sáng tạo vào cuộc sống nay đã “bình thường như cân đường hộp sữa”.

Sáng kiến được triển khai, “xã hội hóa” tại Tây Bắc rất giản dị: người chui vào bịch nilon to, ngồi xuống. Một “bác lái đò” túm miệng túi lại, rê ra, vừa bơi vừa lôi cái bọc như kéo bịch rác hay xác người.

Vui như câu hát xưa: “Qua sông, qua sông rồi ra chiến trường…”

Đi đâu phải có cái bao đi cùng, như cắp xe, thuyền. Đến bờ sông suối, ngồi vào bao kín, nín thở nhắm mắt, úp mặt chờ được kéo, trôi…

Ấy là phát huy truyền thống, sáng tạo kinh nghiệm quân sự. Bộ đội vẫn thế, túm đồ bằng áo mưa, vừa là phao, vừa kê súng, lội sông không quên nhiệm vụ.

Nay “bác lái đò” vận tải công cộng phải chuyên, tính bao đủ khí, tính dòng nước để cập bến an toàn.

Nói dại, lỡ gặp chuyện chỉ buông miệng bao, bao chìm nhanh hơn xuồng.

Người trong bao không kịp ngụp thở. Bao rách, ướt người không ngại, ngại ngụp nước tức thời.

Rồi ở đó mà xót xa “em như cái túi trôi sông, anh như con chó ngóng trông trên bờ”.

Sông nước hữu tình, lắm sông nhiều suối. “Cầu to đã hẳn phải nên có. Dẫu sao cầu nhỏ thiếu được chăng”. Cầu, cần nhưng chưa có.

Trong lúc chờ cầu, dân vùng sâu vùng xa thỏa sức sáng tạo, cả mạo hiểm.

Thời “Qua sông để ra chiến trường” khác thời qua sông để học cái chữ, gieo cái chữ…

Cô giáo trùm bao đi dạy học thời nay cứ như phát huy truyền thống quyết tử cho học sinh quyết khôn.

Ngại, là người đời ngại khi nhìn cảnh ấy. Người trong bao thường ngày ở huyện như cô giáo, thấy vẫn “bình thường như cân đường hộp sữa”.

Đường sữa đâu mà lắm thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét